16/12/2021
Lượt xem: 328
Hội thảo “Thực trạng và đề xuất mô hình liên kết đổi mới sáng tạo tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ”
Chiều ngày 13/12/2021, Cục Công tác Phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì tổ chức Hội thảo “Thực trạng và đề xuất mô hình liên kết đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ” (Hội thảo) theo hình thức trực tuyết từ điểm cầu tại Cục Công tác Phía Nam đến các đểm cầu tại một số Sở KH&CN, doanh nghiệp khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Dự Hội thảo tại điểm cầu tại Cục Công tác Phía Nam có ông Vương Đức Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Công tác Phía Nam, đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Cục Công tác Phía Nam cùng hơn 50 đại biểu là lãnh đạo, công chức, viên chức của Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở vùng Đông và Tây Nam Bộ; viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Cục Công tác Phía Nam (Ảnh: Cục Công tác Phía Nam)
Vùng Đông và Tây Nam Bộ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận, kế thừa các mô hình liên kết ĐMST trong và ngoài nước. Để phát huy lợi thế này, vấn đề nâng cao ý thức hợp tác và liên kết giữa các bên liên quan là yêu cầu đặt ra hàng đầu. Bởi khi liên kết tốt, các bên mới cùng nhau hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và thúc đẩy ĐMST của Nhà nước mới đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả thiết thực, bền vững;… ( https://baocantho.com.vn/de-xuat-mo-hinh-lien-ke-t-do-i-mo-i-sa-ng-ta-o-ta-i-khu-vu-c-dong-va-tay-nam-bo--a141641.html).
Hội thảo là một trong những nội dung của nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu xác định mô hình liên kết đổi mới sáng tạo có hiệu quả tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ để nhân rộng và đề xuất chính sách” năm 2020 - 2021 theo Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sang tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày các báo cáo tham luận về kết quả nghiên cứu sơ bộ về thực trạng hoạt động ĐMST và các đề xuất mô hình liên kết đổi mới sáng tạo hiệu quả tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ; Thực trạng hoạt động ĐMST tại Bà Rịa - Vũng Tàu và đề xuất một số hoạt động liên kết - giải pháp chính sách thúc đẩy ĐMST hiệu quả tại địa phương; Sơ bộ về thực trạng hoạt động ĐMST tại Long An và đề xuất một số hoạt động liên kết - giải pháp chính sách thúc đẩy ĐMST hiệu quả tại địa phương và khu vực; Hoạt động ĐMST tại thành phố Cần Thơ và đề xuất một số mô hình liên kết - giải pháp chính sách thúc đẩy ĐMST hiệu quả; Thực trạng hoạt động ĐMST và đề xuất một số hoạt động liên kết ĐMST hiệu quả với doanh nghiệp tại Đại học Bà rịa Vũng Tàu, góc nhìn từ phía nhà nghiên cứu - đào tạo nguồn lực ĐMST; Thực trạng hoạt động ĐMST lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và đề xuất một số mô hình liên kết - giải pháp chính sách thúc đẩy ĐMST hiệu quả tại địa phương và khu vực; Một số hoạt động ĐMST tại Tập đoàn Lộc Trời: từ nghiên cứu đến thực tiễn - một số đề suất về chính sách và giải pháp hỗ trợ ĐMST, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu nhà nước và tư nhân; Một số giải pháp về chính sách hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ và phát huy vai trò của các bên trong mô hình liên kết hoạt động ĐMST doanh nghiệp tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ cho các nhóm đối tượng: doanh nghiệp vừa và nhỏ - doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, các đơn vị đào tạo nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước - đơn vị sự nghiệp trực thuộc; Hoạt động ĐMST tại Viện Công nghệ Bùi Văn Ngọ - đề xuất một số giải pháp chính sách hỗ trợ hoạt động ĐMST trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại địa phương và khu vực; Dự án liên kết ĐMST cộng đồng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản tại Cenintec- đề xuất một số chính sách và giải pháp hỗ trợ thúc đẩy liên kết ĐMST hiệu quả với các đơn vị tổ chức chuyên môn và các thành phần trong chuỗi giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy hải sản; Hoạt động liên kết ĐMST tại Công ty CP Nước Hoàng Minh - một số giải pháp chính sách hỗ trợ hoạt động ĐMST cho doanh nghiệp; Hoạt động ĐMST tại Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam Vinabiomush - một số giải pháp chính sách hỗ trợ hoạt động ĐMST hiệu quả tại doanh nghiệp; Hoạt động ĐMST tại Công ty TNHH Sinh học Phương Nam - một số giải pháp chính sách hỗ trợ hoạt động ĐMST hiệu quả tại doanh nghiệp. Đồng thời các đại biểu cung đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến kết quả, kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ĐMST ở một số địa phương, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu cũng như cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hoạt động ĐMST, mô hình liên kết ĐMST hiệu quả;…
Theo ông Vương Đức Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Công tác Phía Nam, thực tế hiện nay cho thấy, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn khu vực Đông và Tây Nam Bộ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, hoạt động của tiểu thương đều bị đình trệ, đời sống tất cả các tầng lớp dân cư trên địa bàn đều bị ảnh hưởng và khó khăn, nhất là đối với lao động nhập cư và người nghèo. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nguồn nguyên vật liệu, máy móc, phụ kiện nhập khẩu. Cụ thể, các chủ doanh nghiệp, chuyên gia, công nhân kỹ thuật là người nước ngoài chưa trở lại Việt Nam cộng thêm sự thiếu hụt nguồn lao động tại chỗ. Những điều này đã và đang làm chậm quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, địa phương. Sản lượng hàng hóa nông nghiệp của khu vực Đông và Tây Nam Bộ được xem là sản phẩm chủ lực, cung cấp cho toàn bộ các tỉnh thành Việt Nam và xuất khẩu. Vì thế, trong giai đoạn này, quá trình ĐMST của doanh nghiệp cũng như các tổ chức quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được lòng tin trong nhân dân. Việc hợp tác, hoạch định các chiến lược liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm khắc phục những khó khăn, chung tay thực hiện việc liên kết ĐMST với mục tiêu là tái phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn của từng khu vực, tỉnh, thành phố ở vùng Đông và Tây Nam Bộ.
Tác giả: Lâm Văn Tùng